Quá trình thai nghén 9 tháng 10 ngày với bất kỳ người mẹ nào cũng là một trải nghiệm đầy cảm xúc. Hạnh phúc làm mẹ thật ngọt ngào nhưng cũng không ít những gian truân, vất vả. Hạnh phúc ấy chỉ tròn đầy, viên mãn khi những người làm cha làm mẹ được chứng kiến “thiên thần” bé nhỏ được chăm sóc, phát triển một cách toàn diện nhất trong suốt thời gian thai kỳ và bốn chữ “mẹ tròn con vuông” được trọn vẹn.
Để làm được điều đó, tất cả những vấn đề về dinh dưỡng mẹ bầu, sự phát triển của thai nhi, chế độ nghỉ ngơi,…vô cùng quan trọng. Với mong muốn mang tới những dịch vụ chăm sóc đặc biệt và ưu ái nhất dành cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ, bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ cung cấp dịch vụ Quản lý thai nghén trọn gói nhằm giúp mẹ bầu và gia đình giải tỏa những băn khoăn và lo lắng.
Quản lý thai nghén là gì?
Quản lý thai nghén là công việc có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe và giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và thai nhi. Qua những lần khám thai định kì, bác sĩ có thể nắm chắc tình trạng sức khỏe bà mẹ và thai nhi để tiên lượng và chuẩn bị tốt cho lúc sinh nở, đề phòng các nguy cơ khi chuyển dạ và giảm tối đa những tai biến sản khoa. Ngoài ra, việc quản lý thai nghén đầy đủ giúp bà mẹ có thêm nhiều kiến thức về vệ sinh thai nghén, chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi hợp lý để thai nhi phát triển toàn diện và khỏe mạnh.
Việc quản lý thai nghén phải được thực hiện đầy đủ nội dung và phải ghi lại lịch sử tất cả những lần khám vào sổ khám và phiếu theo dõi. Những nội dung quan trọng trong quản lý thai nghén bao gồm: Tư vấn, khám sản khoa, siêu âm, xét nghiệm, tiêm chủng, ghi sổ theo dõi, tư vấn dinh dưỡng. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng nhận thức được đầy đủ nên việc đăng ký quản lý thai sớm ngay từ khi có dấu hiệu mang thai là việc làm vô cùng quan trọng.
Quản lý thai nghén bao gồm những gì?
Tư vấn trong quá trình thai nghén
Tư vấn có một vai trò hết sức quan trọng trong quản lý thai nghén. Cần phải thực hiện tư vấn ngay từ khi có dấu hiệu mang thai, trong quá trình mang thai, trước, trong và sau khi sinh. Tư vấn giúp sản phụ nắm được những kiến thức để tự chăm sóc bản thân trong quá trình mang thai, vệ sinh thai nghén để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh, an toàn. Ngoài ra tư vấn giúp sản phụ yên tâm trải qua quá trình sinh nở dễ dàng nhất và biết cách phục hồi sức khỏe sau quá trình sinh nở.
Khám sản khoa
Khám thai là việc làm không thể thiếu trong quản lý thai nghén. Thông qua hỏi bệnh và khám trực tiếp bác sĩ có thể phát hiện các yếu tố nguy cơ, tính tuổi thai, dự kiến ngày sinh… từ đó lên kế hoạch quản lý thai nghén, hướng dẫn sản phụ chăm sóc, vệ sinh thai nghén và chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi tránh tai biến cho mẹ và thai nhi.
Xét nghiệm
Xét nghiệm là phương pháp vô cùng hữu hiệu trong việc phát hiện những thay đổi bất thường trong cơ thể khi mang thai và những dị dạng của thai. Vì vậy
trong quá trình mang thai nhất định phải thực hiện xét nghiệm để tiên lượng mọi yếu tố nguy cơ và chuẩn bị cho cuộc đẻ tốt nhất.
- Xét nghiệm công thức máu là xét nghiệm đánh giá tổng quát nhất các vấn đề về máu ở người mẹ. Các chỉ số Hồng cầu đánh giá tình trạng thiếu máu của thai phụ.
- Xét nghiệm nhóm máu: Định nhóm máu ABO và yếu tố Rhesus cần được xác định trong lần khám thai đầu tiên. Việc định nhóm máu rất quan trọng trong việc loại trừ các yếu tố nguy cơ và dự trù máu trong cuộc sinh đẻ.
- Xét nghiệm sinh hóa máu: Đánh giá chức năng các cơ quan cơ bản (gan, thận, máu, điện giải,…)
- Xét nghiệm miễn dịch: HIV, viêm gan B. Xét nghiệm này cần được thực hiện ngay khi phát hiện có thai.
- Xét nghiêm máu tìm kháng nguyên với các bệnh: Giang mai…
Tổng phân tích nước tiểu
Đây là một xét nghiệm thường quy được chỉ định trong mỗi lần khám thai, nhằm phát hiện ra các bệnh lý về thận, nhiễm trùng đường tiết niệu (hay xảy ra ở phụ nữ có thai), phát hiện nguy cơ tiền sản giật và bệnh đái tháo đường thai kỳ. Nghiệm pháp dung nạp đường huyết được chỉ định khi thai phụ béo phì, tăng cân nhanh, gia đình trực hệ đái tháo đường, tiền căn bản thân sinh con to, thai dị tật hoặc thai lưu lớn không rõ nguyên nhân, đường niệu dương tính, đường huyết lúc đói > 5,3 mmol/L. Đái tháo đường trong thời kỳ mang thai sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Người mẹ có nguy cơ phải mổ lấy thai; dễ bị tăng huyết áp, phù; trở thành bệnh nhân đái tháo đường, thai chết lưu. Trẻ sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh (cao gấp 8 lần bình thường), hoặc mắc các bệnh vàng da kéo dài, hạ canxi máu, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết…
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh
Đây là các xét nghiệm cực kỳ quan trọng để đánh giá sự phát triển bình thường của thai và nguy cơ dị dạng thai. 2 xét nghiệm thường được sử dụng là Double test (được thực hiện ở tuần thứ 11- <14 của thai) và xét nghiệm Tripble test (được thực hiện ở tuần 15-22 của thai). Ngoài ra còn xét nghiệm dịch ối nếu có yếu tố nguy cơ cao được phát hiện qua việc kết hợp các phương pháp khác.
Siêu âm
- Siêu âm thường: Xác định kích thước thai, theo dõi sự phát triển của thai, lượng nước ối, vị trí bám nhau…..
- Siêu âm hình thái thai nhi để phát hiện các dị tật thai nhi, các khiếm khuyết không thể sửa chữa sau sinh.
- Siêu âm Dopler màu tim nhằm phát hiện các bệnh lý tim mạch như hở hẹp van 2 lá, thiếu máu cơ tim …
Monitoring sản khoa ghi lại đồng thời nhịp tim thai và hoạt động cơ tử cung dựa vào đó để đánh giá các đặc điểm của nhịp tim thai và khả năng chịu đựng của thai nhi khi có cơn co tử cung để phát hiện các bất thường trong quá trình theo dõi chuyển dạ nhằm can thiệp kịp thời và cần thiết cho mẹ và thai.