1. Giới thiệu
Khoa Dược – Bệnh viện ĐKTX Phú Thọ là khoa chuyên môn trực thuộc Giám đốc bệnh viện. Có chức năng quản lý và tham mưu cho Ban giám đốc bệnh viện về toàn bộ công tác Dược trong bệnh viện nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng và tư vấn, giám sát việc thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Nhân sự khoa Dược cập nhật tại thời điểm 21/8/2022 có 15 cán bộ gồm các trình độ:
- Dược sỹ CKI: 02
- Dược sỹ Đại học: 04
- Cao đẳng dược: 08
- Kỹ sư TBYT: 01
Khoa Dược được trang bị và nâng cấp liên tục hệ thống kho và các thiết bị bảo quản thuốc với mục tiêu đạt tiêu chuẩn thực hành bảo quản thuốc tốt (GSP) năm 2019. Kể từ năm 2017, Khoa Dược đã áp dụng thành công và duy trì liên tục phương pháp quản lý 5S tại các Kho Dược và tủ thuốc trực ở tất cả các Khoa lâm sàng để giúp hạn chế các nguy cơ sai sót trong cấp phát thuốc.
Tổ Dược lâm sàng và Đơn vị thông tin thuốc được trang bị các tài liệu chuyên môn cập nhật, hệ thống internet truy cập nhanh và các phần mềm thông tin thuốc, cảnh báo tương tác thuốc để giúp các dược sỹ giám sát sai sót thuốc trong sử dụng thuốc thông qua việc thường xuyên kiểm tra xét duyệt các y lệnh thuốc nội trú, và 100% đơn thuốc ngoại trú BHYT.
Công tác đào tạo liên tục được đặt lên hàng đầu tại Khoa dược để nâng cao trình độ chuyên môn: các kiến thức sử dụng thuốc, kỹ năng tư vấn và thái độ ứng xử, giao tiếp nhằm giúp các dược sỹ thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn về dược lâm sàng và quản lý dược, bảo đảm chăm sóc dược cho bệnh nhân một cách tốt nhất và quản lý sử dụng thuốc -VTYT một cách hiệu quả nhất.
2. Tầm nhìn, sứ mạng và giá trị của Khoa dược
a. Tầm nhìn:
“Là một khoa Dược bệnh viện đạt tiêu chuẩn GPs trong công tác quản lý và sử dụng thuốc”.
b. Sư mạng:
- Thực hiện tốt các quy chế, quy trình và quy định về dược.
- Cung cấp cho bệnh nhân các dịch vụ chăm sóc dược chất lượng cao.
- Là người bạn đồng hành tốt của bác sĩ và điều dưỡng và là chuyên gia Dược xuất sắc của bệnh nhân.
- Góp phần trong quản lý kinh tế: thực hiện tốt công tác đấu thầu thuốc, tiết kiệm nhưng vẫn đạt hiệu quả trong điều trị.
c. Giá trị
Thực hiện đúng các giá trị:
- Tất cả vì người bệnh
- Hợp tác chặt chẽ
- Tinh thần tự chủ
- Liêm minh chính trực
- Sáng tạo và không ngừng hoàn thiện
d. Slogan:
“Đoàn kết, sẵn sàng, an toàn, chính xác”
4. Chức năng, nhiệm vụ
Nhóm công việc điều hành, quản lý, lãnh đạo
- Xây dựng và triển khai thực hiện các mục tiêu, chiến lược kế hoạch hoạt động của khoa theo định hướng phát triển của bệnh viện.
- Tổ chức điều hành khoa về chuyên môn (cung ứng, bảo quản và sử dụng thuốc, VTYT, hoá chất và sinh phẩm) bố trí nhân lực, trang thiết bị, thuốc và vật tư tiêu hao nhằm tối ưu hóa vận hành của khoa Dược.
- Tổ chức công tác nhân sự trong khoa, đánh giá, huấn luyện, đào tạo để rèn luyện và nâng cao năng lực chuyên môn mỗi nhân viên thuộc khoa.
- Quản lý, kiểm soát việc sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm trang thiết bị và vật tư tiêu hao trong khoa.
Nhóm công việc chuyên môn
Tổ chức thực hiện, quản lý và chịu trách nhiệm trước Giám đốc mọi hoạt động của Khoa Dược theo đúng quy chế công tác khoa Dược do Bộ Y Tế và do Bênh viện quy định.
- Đề xuất, bố trí, sắp xếp nhân lực Khoa Dược đúng vị trí và yêu cầu hoạt động.
- Tổ chức đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên định kỳ.
- Biên soạn các quy trình hoạt động chuẩn (SOPs) chuyên môn dược.
- Tổ chức hoạt động khoa dược theo đúng các nhiệm vụ quy định của Bộ Y tế.
- Lập kế hoạch ngân sách thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm cho toàn viện hàng năm.
- Lập kế hoạch dự trù cung ứng thuốc trong toàn viện.
- Lập kế hoạch giám sát, quản lý sử dụng thuốc trong toàn viện.
- Ký duyệt toàn bộ dự trù, phiếu xuất, phiếu lĩnh thuốc, VTYT, HC, SP của các khoa phòng và các chứng từ khác có liên quan.
Tổ chức và triển khai thực hiện công tác Dược lâm sàng, thông tin thuốc và quản lý sử dụng thuốc an toàn – hợp lý, quản lý sử dụng kháng sinh, giám sát xuất toán BHYT về thuốc và VTYT trong toàn bệnh viện.
- Phân công nhóm Dược sĩ thực hiện nhiệm vụ dược lâm sàng, thông tin thuốc.
- Tổ chức biên soạn các tài liệu chuyên môn sử dụng thuốc để tập huấn, đào tạo nhân viên làm nhiệm vụ dược lâm sàng.
- Triển khai nhiệm vụ dược lâm sàng (bao gồm giám sát và báo cáo ADR, giám sát, ngăn chặn, và báo cáo sai sót thuốc) và hoạt động thông tin thuốc trong bệnh viện.
- Triển khai xét duyệt kiểm soát y lệnh thuốc nội trú và đơn thuốc ngoại trú trước khi cấp phát.
- Triển khai hoạt động tư vấn sử dụng thuốc cho bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân.
- Đào tạo nâng cao kỹ năng của dược sỹ để thực hiện can thiệp khi phân tích sử dụng thuốc theo hướng dẫn tại Quyết định 3547/QĐ-BYT ngày 22/7/2021 của Bộ Y tế.
- Tham gia hội chẩn bệnh nặng và tư vấn chọn lựa thuốc khi có hội chẩn viện hoặc hội chẩn liên khoa.
- Tổ chức nội dung bình bệnh án và bình đơn thuốc toàn viện. Phối hợp với phòng Kế hoạch tổng hợp sắp xếp các buổi bình bệnh án và bình đơn thuốc toàn viện.
- Tổ chức triển khai hoạt động chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại BV đúng theo quy định của Bộ y tế.
- Triển khai hoạt động giám sát phòng tránh xuất toán BHYT liên quan đến sử dụng thuốc và VTYT do khoa Dược quản lý.
- Báo cáo cho Giám đốc bệnh viện những nội dung liên quan đến quản lý và vận hành: tình hình nhân sự dược, hoạt động bảo quản, hoạt động quản lý rủi ro, hoạt động kiểm kê, kiểm soát hàng tồn kho, hàng chậm sử dụng, hàng thanh lý, thuốc kiểm soát đặc biệt, quản lý cơ số tủ trực.
Thực hiện công tác đào tạo liên tục (CE), nghiên cứu khoa học (NCKH), viết bài đăng website, viết bài đăng bản tin dược nội bộ.
- Tham dự các khóa đào tạo y khoa, dược khoa liên tục (CME/CPE).
- Tổ chức và tham gia viết bài đăng website bệnh viện.
- Tổ chức và tham gia viết bài đăng Bản tin Dược nội bộ.
- Viết đề cương NCKH, thiết kế nghiên cứu, phân công NCKH, tổ chức viết báo cáo NCKH.
Thực hiện vai trò của Phó chủ tịch, ủy viên thường trực Hội đồng thuốc và điều trị bệnh viện (HĐT&ĐT), tham mưu cho Giám đốc bệnh viện và Chủ tịch HĐT&ĐT về lựa chọn thuốc sử dụng trong bệnh viện phù hợp với tiêu chí chất lượng – kinh tế của bệnh viện, bảo đảm an toàn và hiệu quả.
- Chuẩn bị nội dung họp HĐT&ĐT định kỳ theo quy định, phối hợp với phòng KHTH sắp xếp lịch họp, thông báo lịch họp cho các thành viên HĐT&ĐT, gửi biên bản cho các thành viên sau khi họp.
- Thực hiện tiến trình xây dựng danh mục thuốc-VTYT theo đúng quy định, gửi danh mục đã ban hành cho các trưởng khoa.
- Quản lý danh mục thuốc-VTYT toàn viện, tổ chức công tác rà soát, tinh lọc danh mục thuốc-VTYT phù hợp với nhu cầu điều trị, và đáp ứng với yêu cầu cân đối ngân sách quỹ BHYT.
- Quản lý danh mục thuốc-VTYT trên phần mềm HIS, tổ chức thực hiện đúng quy trình bổ sung, loại bỏ danh mục do bệnh viện quy định.
- Định kỳ tổ chức các hoạt động báo cáo liên quan đến công tác HĐT&ĐT và công tác chuyên môn dược như: Báo cáo phân tích sử dụng thuốc-VTYT, báo cáo phân tích thuốc theo phân loại ABC/VEN, báo cáo tình hình ADR, sai sót thuốc, thông tin thuốc, cung ứng thuốc, quản lý danh mục thuốc-VTYT, quản lý sử dụng kháng sinh, quản lý thuốc gây nghiện, hướng thần và tiền chất.
Nhiệm vụ khác:
- Tìm hiểu, cập nhật, tuân thủ nội quy lao động, quy tắc ứng xử, quy định, quy trình của bệnh viện.
- Tham dự giao ban chuyên môn của bệnh viện.
- Chủ trì giao ban khoa hàng ngày tại khoa.
- Tham gia thực hiện các dự án cải tiến chất lượng của Khoa và trong toàn viện.
4.2. Tổ kho và cấp phát:
- Cung cấp thuốc và vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm sử dụng trong bệnh viện.
- Bảo quản và quản lý thuốc và vật tư y tế hóa chất, sinh phẩm tại khoa dược theo chuẩn GSP.
- Thực hiện quản lý kho theo phương pháp 5S.
- Theo dõi chất lượng, số lượng, hạn dùng của các mặt hàng có trong kho dược.
- Thực hiện kiểm kê định kỳ hàng tháng, quý, năm và/hoặc đột xuất khi cần.
- Quản lý số ngày tồn kho thuốc và vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm trong tháng phù hợp với tình hình thực tế.
- Kiểm tra, điều phối sử dụng, theo dõi định kỳ về bảo quản và hạn sử dụng các thuốc và vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vật dụng y tế trang bị tại các tủ trực và xe cấp cứu các khoa trong toàn viện.
- Phối hợp với điều dưỡng giám sát cấp phát theo y lệnh thuốc của từng người bệnh tại khoa lâm sàng.
- Cấp phát thuốc theo đơn ngoại trú của từng bệnh nhân và bàn giao, tư vấn sử dụng thuốc cho người bệnh.
- Quản lý, xét duyệt và cấp phát định kỳ hàng tuần hay hàng tháng: thuốc, vật dụng y tế, hóa chất, thuốc thử, phim X- quang thuộc nhóm sử dụng tiêu hao xây dựng trong các dịch vụ khám chữa bệnh trọn gói tại các khoa lâm sàng và cận lâm sàng.
4.3. Tổ Dược lâm sàng:
- Lập kế hoạch hoạt động dược lâm sàng theo mục tiêu chất lượng của khoa Dược.
- Thường xuyên kiểm tra y lệnh thuốc và đơn thuốc trước khi cấp phát.
- Kiểm soát, quản lý sai sót thuốc trong kê đơn, sao chép, và thực hiện thuốc: mục tiêu ngăn chặn sai sót thuốc không cho tiếp cận đến người bệnh.
- Quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện, đặc biệt chủ động theo dõi tất cả các trường hợp sử dụng kháng sinh đánh dấu * và kháng sinh phê duyệt, giám sát và báo cáo việc sử dụng kháng sinh dự phòng.
- Theo dõi sử dụng thuốc an toàn và hợp lý tại Khoa lâm sàng theo tiêu chí 6 Đúng: đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng cách dùng, đúng thời gian và đúng hồ sơ.
- Giám sát về tương tác thuốc, tác dụng phụ của thuốc.
- Tham gia hội chẩn sử dụng thuốc tại các Khoa lâm sàng, tư vấn cho bác sĩ về lựa chọn thuốc, điều chỉnh liều thuốc cho bệnh nhân suy thận và các đối tượng đặc biệt.
- Phối hợp với điều dưỡng và bác sĩ khai thác tiền sử dị ứng thuốc, quản lý thuốc bệnh nhân/người nhà mang vào bệnh viện.
- Giám sát chủ động phản ứng bất lợi của thuốc (ADR) tại khoa lâm sàng, theo dõi, xác nhận, là đầu mối lập báo cáo ADR gửi Trung tâm Quốc Gia về DI & ADR – Bộ Y tế.
- Phụ trách công tác thông tin thuốc trong bệnh viện: Thông tin, tư vấn cho bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Thực hiện quy trình kiểm soát xuất toán BHYT liên quan đến dữ liệu danh mục thuốc/VTYT, ánh xạ phê duyệt trên cổng, và tuân thủ quy chế kê đơn, quy định về chi trả BHYT đối với thuốc/VTYT. - Thực hiện công tác đào tạo liên tục cho nhân viên y tế trong bệnh viện. Hướng dẫn sinh viên dược. Đào tạo dược sỹ học việc.
- Thực hiện các đề tài NCKH về dược lâm sàng.
- Là đầu mối cho công tác của Hội đồng Thuốc và Điều trị Bệnh viện. Trưởng khoa dược là Phó chủ tịch thường trực và Dược sỹ lâm sàng là thành viên của Hội đồng thuốc điều trị.
- Báo cáo hoạt động cho Trưởng khoa dược.
4.4. Tổ nghiệp vụ dược
- Lập kế hoạch hoạt động nghiệp vụ dược theo mục tiêu chất lượng của khoa Dược.
- Quản lý thuốc gây nghiện, hướng thần và tiền chất.
- Cập nhật và phổ biến triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về quản lý chuyên môn dược trong toàn viện.
- Cập nhật và quản lý bộ quy trình chuẩn (SOPs) của khoa Dược.
- Xây dựng kế hoạch số lượng dự trù thuốc và VTYT, hóa chất, sinh phẩm để đấu thầu, cập nhật danh mục thuốc, VTYT, Hóa chất, Sinh phẩm y tế.
- Quản lý danh mục thuốc, VTYT, Hóa chất, sinh phẩm sử dụng trong toàn viện, theo dõi, thông báo các trường hợp thuốc, VTYT, Hóa chất, sinh phẩm mới bổ sung, hoặc ngừng sử dụng, trình HĐT&ĐT phê duyệt những thay đổi trong danh mục.
- Quản lý danh mục thuốc, VTYT, Hóa chất, sinh phẩm trên phần mềm HIS.
- Kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn dược về việc bảo quản, quản lý, cấp phát thuốc, VTYT, Hóa chất, sinh phẩm tại khoa dược và các khoa lâm sàng.
- Kiểm tra hoạt động chuyên môn của nhà thuốc bệnh viện.
- Báo cáo hoạt động cho Trưởng khoa dược.
4.5. Thống kê dược:
- Lập kế hoạch hoạt động công tác thống kê theo mục tiêu chất lượng của khoa Dược.
- Thành viên của hội đồng kiểm nhập, hội đồng thanh lý, hội đồng kiểm kê thuốc và VTYT, Hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ, TTBYT của bệnh viện.
- Kiểm tra, đối chiếu biên bản kiểm nhập của kho dược và các hóa đơn, chứng từ nhập thuốc, VTYT, Hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ, TTBYT vào phần mềm HIS
- Theo dõi, thống kê, báo cáo số liệu nhập, xuất, tồn của thuốc, VTYT, Hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ, TTBYT trong toàn viện.
- Theo dõi, báo cáo tình hình sử dụng tăng, giảm, các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến tồn kho và số ngày tồn kho của thuốc, VTYT, Hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ, TTBYT. Làm việc nhóm cùng với thủ kho để tăng giám sát tồn kho an toàn và hệ số tồn kho.
- Theo dõi, báo cáo việc sử dụng thuốc, VTYT, Hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ, TTBYT, tình hình người bệnh sử dụng thuốc, VTYT, Hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ, TTBYT theo định mức của các Khoa phòng.
- Chuẩn bị dữ liệu, tham gia kiểm kê và báo cáo kết quả kiểm kê, đối chiếu kho hàng ngày, và định kỳ tháng/quý/năm.
- Cung cấp dữ liệu xuất, nhập, tồn thuốc, VTYT, Hóa chất, sinh phẩm, dữ liệu sử dụng thuốc Generic và Biệt dược gốc (brand name-generic), dữ liệu phân tích ABC/VEN hàng tháng cho Tổ Dược lâm sàng.
- Cập nhật danh mục ánh xạ lên cổng thông tin điện tử, cập nhật danh mục thuốc trên phần mềm HIS.
- Cung cấp các dữ liệu thống kê cần thiết cho các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc các trường hợp kiểm tra, kiểm toán của bệnh viện.
- Là thành viên trong nhóm theo dõi, khai báo, thống kê các sai sót thuốc trên phần mềm.
- Báo cáo hoạt động thống kê cho Trưởng khoa dược.
5. Thế mạnh của Khoa Dược – Bệnh viện ĐKTX Phú Thọ
5.1. Công tác dược lâm sàng:
- Nhân viên Khoa dược thường xuyên kiểm tra y lệnh thuốc nội trú và 100% đơn thuốc ngoại trú BHYT của từng bệnh nhân trước khi cấp phát, phát hiện sai sót, góp ý cho bác sĩ và điều dưỡng sửa chữa sai sót, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót thuốc gây ảnh hưởng đến người bệnh. Hoạt động giám sát, báo cáo và ngăn chặn sai sót thuốc làm một trong những nhiệm vụ quan trọng của Khoa Dược.
- Dược sĩ khoa dược khi cấp thuốc ngoại trú thực hiện kiểm đếm thuốc trước mặt bệnh nhân và tư vấn cách dùng thuốc, tác dụng phụ và căn dặn người bệnh tuân thủ dùng thuốc cho 100% bệnh nhân ngoại trú nhận thuốc tại kho phát thuốc BHYT- Khoa Dược.
- Dược sĩ khoa Dược thực hiện đi lâm sàng, giám sát sử dụng Kháng sinh, theo dõi sử dụng kháng sinh ở các bệnh nhiễm trùng nặng, tham gia hội chẩn cùng với bác sĩ để góp ý lựa chọn thuốc hiệu quả, an toàn, hợp lý và thực hiện hiệu chỉnh liều thuốc ở các đối tượng đặc biệt.
- Dược sĩ khoa Dược thường xuyên thông tin, tư vấn cho bác sĩ, điều dưỡng về kiến thức sử dụng thuốc, phối hợp thuốc, tương tác tương kỵ của thuốc. Xây dựng và thực hiện kế hoạch kết nối phần mềm kê đơn thuốc với phần mềm tương tác thuốc, giúp nâng cao hiệu quả điều trị bằng thuốc trên bệnh nhân.
- Dược sĩ khoa Dược giám sát chủ động và theo dõi hàng ngày các phản ứng bất lợi của thuốc (ADR), phân tích, đánh giá, lập báo cáo kịp thời gửi Trung Tâm Quốc Gia TTT và ADR.
- Dược sĩ lâm sàng giám sát 6 Đúng tại Khoa lâm sàng.
5.2. Công tác đào tạo liên tục :
- Dược sĩ khoa dược tham gia báo cáo trong các buổi CME của bệnh viện, cập nhật kiến thức sử dụng thuốc cho các bác sĩ và điều dưỡng.
5.3. Công tác nghiên cứu khoa học :
- Khoa Dược Bệnh viện đa khoa thị xã Phú Thọ hàng năm đều thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến sử dụng thuốc. Các đề tài có tính ứng dụng cao, giúp cho việc cải thiện chất lượng công tác sử dụng thuốc trong toàn viện.
5.4. Hoạt động theo bộ quy trình chuẩn (SOPs):
- Khoa Dược BVĐKTXPT đó xây dựng bộ quy trình chuẩn để áp dụng trong hoạt động dược.
5.5. Phương pháp quản lý 5S:
- Khoa Dược đó áp dụng phương pháp 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) tại tất cả các Kho và tủ thuốc trực ở khoa lâm sàng.
- Thực hiện đánh giá về triển khai 5S và đánh giá hiệu quả của phương pháp quản lý 5S đó chứng minh sự cải thiện trong quản lý kho, giảm sai sót thuốc trong cấp phát, và giảm chênh lệch số lượng kiểm kê tại các kho.